THUÊ KHO BÃI NHÀ XƯỞNG có phải đăng ký kinh doanh không ?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bao gồm:
Điều 45: Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
3. Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể
Như vậy, kho bãi là một tên gọi khác của một đơn vị phụ thuộc. Xét về chức năng kinh doanh, kho chứa hàng có chức năng lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp và có thể kinh doanh hàng hóa khi cần thiết. Vì thế khi đăng ký kho chứa hàng doanh nghiệp chỉ có thể chọn 1 trong 2 hình thức lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh. Thường thì để đơn giản, nên lựa chọn thành lập theo hình thức địa điểm kinh doanh.
Về thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 33, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể :
2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh:
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);
c) Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
d) Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
đ) Họ, tên, nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.
3. Khi nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để yêu cầu mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.
Ngoài ra, Công ty còn làm thêm thủ tục thông báo và kê khai với cơ quan thuế về việc thành lập thêm địa điểm kinh doanh trưc thuộc doanh nghiệp để cơ quan thuế quản lý. Trong trường hợp kho hàng cùng tỉnh, TP nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì Công ty chịu trách nhiệm kê khai và nộp Thuế môn bài, Thuế GTGT cho kho hàng tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp Công ty. (Căn cứ pháp lý: Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài; điểm b, khoản 1, Điều 1 Thông tư 156/2013/TT-BTC )
Nếu doanh nghiệp thuê kho chứa hàng, có hợp đồng, hóa đơn đầu vào và chứng từ thanh toán đầy đủ nhưng không thực hiện đầy đủ đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, chi nhánh, không nộp thuế môn bài thì chi phí thuê kho sẽ bị loại khi tính (quyết toán) thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
(Theo Luật Minh Khuê)