Sau bão, nhiều DN rối bời vì không mua bảo hiểm
Việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão số 6 của nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do không mua bảo hiểm từ trước!
Giám đốc Bảo Việt Đà Nẵng, ông Trần Công Đáng cho hay, khoảng 100 đơn vị, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng có mua bảo hiểm ở Bảo Việt đã bị tổn thất trong bão số 6 vừa qua với tổng thiệt hại ước khoảng 100 tỉ đồng.
Trong đó có một số khách hàng bị thiệt hại lớn như: Nhà máy sản xuất xe máy Heasun (16 tỉ đồng), khu nghỉ mát Golden Sand (7 tỉ đồng), Công ty Keyhinge Toys VN (7 tỉ đồng), Công ty Thuốc lá Đà Nẵng (5 tỉ đồng), Công ty Cao su Đà Nẵng (4 tỉ đồng), khu nghỉ mát Furama Resort (2 tỉ đồng… Các khách hàng còn lại có giá trị tổn thất từ 100 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 60 tàu cá bị hư hỏng, 10 tàu bị chìm, 150 ôtô… bị hư hỏng do bão số 6.
Hiện Bảo Việt VN đã cử Phó TGĐ điều hành và huy động cán bộ từ các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Quảng Ngãi đến phối hợp với Bảo Việt Đà Nẵng để kịp thời thẩm định thiệt hại do bão số 6 gây ra cho khách hàng. Bên cạnh đó, Bảo Việt cũng thuê một số công ty thẩm định nước ngoài như Curning Harm, Mc Laren Mileer và các công ty VN như Vinacontrol, Raco làm giúp. Tuy nhiên, phải 15 – 20 ngày nữa mới thẩm định xong ở các công ty nhỏ; với các công ty lớn bị thiệt hại nặng thì còn lâu hơn.
Ông Nguyễn Đức Trị, Giám đốc điều hành Công ty dệt may Hoà Thọ cho hay, nhờ đã mua bảo hiểm nhà xưởng từ trước nên doanh nghiệp (DN) rất an tâm. Chí ít khoản tiền đền bù từ bảo hiểm cũng có thể cho phép công ty sửa chữa ngay nhà xưởng. Nên sau bão, DN chỉ lo tập trung phục hồi sản xuất chứ không phải chạy đôn chạy đáo chuyện xây dựng.
Tuy nhiên, không nhiều DN ở Đà Nẵng có được sự tự tin như vậy sau cơn cuồng phong Xangsane. Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, riêng các cơ sở sản xuất đã thiệt hại đến 1.980 tỉ đồng, cao hơn cả thiệt hại các công trình, cơ sở kinh tế – xã hội thuộc cơ quan Nhà nước như trường học, bệnh viện, giao thông, thuỷ lợi, bưu điện, điện lực… (1.273 tỉ đồng). Như vậy có thể thấy, tuy là một trong những đơn vị có số khách hàng nhiều nhất ở Đà Nẵng nhưng kinh phí đền bù Bảo Việt ước chi cho các DN trên địa bàn sẽ rất thấp so với thiệt hại trên thực tế.
Đơn cử như tại KCN Hoà Khánh, KCN lớn và có nhiều nhà máy nhất ở Đà Nẵng, theo Phó ban thường trực Ban quản lý các KCN & Chế xuất Đà Nẵng Trần Văn Đông thì hầu hết đều bị tốc mái, ngã đổ nhà xưởng, tường rào, cây xanh… Đa số DN tại đây thiệt hại từ 20 – 80%.
Riêng Công ty Heasun, Công ty hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo sập đổ hoàn toàn mỗi công ty 2 nhà xưởng chính, 3 công ty Nam Thái, Trung Á và Dịch vụ miền Trung bị ngã sập hoàn toàn nhà xưởng chính, 3 công ty Thanh Thu, Dược TƯ 5 và Trường Thắng bị bão cuốn hết tôn mái và tôn bao che nhà xưởng… Nhưng ước tính mức chi trả tiền bảo hiểm của Bảo Việt cho các DN bị thiệt hại ở KCN này chỉ khoảng 30 tỉ đồng.
Nguyên nhân của tình hình này xuất phát từ thực tế phần lớn DN trên địa bàn không mua bảo hiểm để dự phòng cho những tình huống thiên tai, rủi ro. Đến giờ này, nhiều DN ở Đà Nẵng mới vò đầu bứt tai kêu than, nếu chấp nhận mua bảo hiểm từ đầu thì hoàn cảnh của họ có lẽ đã khác. Còn hiện tại, hẳn sẽ có những nhà máy khó có khả năng hồi phục, thậm chí đóng cửa hẳn. Bởi trong cảnh đảm bảo vốn lưu động hàng tháng vài trăm triệu đồng còn khó thì làm sao đủ tiền dựng lại những nhà xưởng, kho tàng lên đến hàng tỉ đồng?
Đối với các DN đang đầu tư nhà xưởng mới, tình hình xem ra còn bi đát hơn bởi nhà thầu thường “quên” mua bảo hiểm công trình. Đơn cử khu nhà xưởng mới của Công ty Valeey View trị giá trên 500.000 USD, lẽ ra đã bàn giao từ 1 tháng trước, nhưng do nhà thầu chậm trễ nên tiến độ bàn giao chậm lại. Hậu quả là sau bão số 6, nhà thầu không còn khả năng xử lý thiệt hại. Nhà thầu này cho biết, có mua bảo hiểm công trình nhưng… vừa hết hạn, và năn nỉ Công ty Valeey View cùng giúp đỡ. Tương tự, khu nhà xưởng của Công ty Mỹ Hảo tại KCN Hoà Khánh chỉ còn vài ngày là khánh thành, nhưng bão số 6 đã biến thành đống phế liệu. Thế là nhà thầu và DN nhìn nhau. Bó tay!
Được biết, trước thiệt hại nặng nề của các DN trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi tình hình, tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhanh nhất để giúp các DN xử lý khó khăn; kịp thời báo cáo UBND TP từng trường hợp cụ thể để có chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ DN.
Trước mắt, những DN nào có thể phục hồi hoạt động, cần hỗ trợ ngay các điều kiện hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin liên lạc… để đi vào sản xuất. Những DN tổn thất nặng, cần đánh giá lại tình hình và nhanh chóng đưa ra các phương án tái đầu tư, phục hồi để vượt qua khó khăn.
Nói cách khác, chính quyền TP Đà Nẵng rất quan tâm đến việc nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường của các DN trên địa bàn, vì điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình kinh tế – xã hội của địa phương sau thảm hoạ bão số 6. Tuy nhiên ai cũng biết, không chỉ DN mà toàn TP còn tổn thất nặng nề trên nhiều lĩnh vực khác.
Đến thời điểm này, tổng thiệt hại của Đà Nẵng do bão số 6 đã lên tới 5.290 tỉ đồng, tức là bằng 84,9% tổng sản phẩm nội địa (6.225 tỉ đồng) và bằng 104,5% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2005 (5.057,9 tỷ đồng). Và còn rất nhiều những thiệt hại dù rất thật nhưng chưa và khó thống kê hết được theo con đường “chính ngạch”, cộng lại có lẽ cũng không kém thiệt hại đã kể là bao. Tất cả đang đánh vào nội lực của nền kinh tế địa phương.
Do vậy, việc chính quyền TP có thể hỗ trợ về mặt tài chính cho các DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ rất hạn chế. Nếu bản thân từng doanh nghiệp có ý thức trong việc mua bảo hiểm từ trước, hẳn là tình hình sẽ khác rất nhiều.
(Theo_VietNamNet)